27/1/11

160.000 máy tính nhiễm virus mỗi ngày tại Việt Nam

Năm 2010, hơn 58,6 triệu lượt PC bị lây nhiễm phần mềm độc hại và đây là con số báo động về tình hình bảo mật máy tính trong nước.

57.835 dòng virus mới xuất hiện nhưng phiên bản lây lan nhiều nhất lại là một dòng cũ. Sâu Conficker "nổi đình đám" từ cuối năm 2008, nhưng chỉ riêng 12 tháng qua đã có tới 6,5 triệu lượt máy tính bị nhiễm chương trình này theo thống kê của công ty Bkav.



Hai virus siêu đa hình (metamorphic) là Vetor và Sality giữ vị trí còn lại trong top 3 và trở thành nỗi ám ảnh với người sử dụng máy tính tại Việt Nam vì khả năng thay hình đổi dạng để lẩn trốn và lan truyền trên 5,9 triệu lượt máy tính.


Phần mềm diệt virus giả mạo (Fake AV) bùng nổ

Số máy tính "sập bẫy" chương trình giả mạo phần mềm diệt virus năm qua lên đến 2,2 triệu, gấp 8,5 lần so với con số 258.000 của năm 2009. Nguyên nhân chính cho sự gia tăng này là thói quen dùng phần mềm trôi nổi, không bản quyền. Dù đã được cảnh báo, nhiều người vẫn bấm vào mọi đường link trong kết quả tìm kiếm của các công cụ tra cứu trực tuyến.
Xu hướng giả mạo file dữ liệu

Hơn 1,4 triệu lượt máy tính bị dòng virus giả mạo thư mục, file ảnh, word, excel… tấn công năm 2010 và xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Nhờ sử dụng icon ngụy trang, file thực thi của virus trông giống một thư mục hay một tệp dữ liệu, khiến cả những chuyên gia có kinh nghiệm cũng bị lừa và mở file không chút nghi ngờ.
Virus phá hủy dữ liệu quay trở lại

Các virus có khả năng phá hủy dữ liệu như Delfile và FakeStuxer chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng với thói quen tập trung nhiều dữ liệu quan trọng trên máy tính như hiện nay, sự trở lại của dòng sâu này có thể sẽ gây ra những hậu quả khôn lường khi lây lan trên diện rộng trong năm nay. Do đó, người sử dụng nên thường xuyên sao lưu dữ liệu quan trọng ra các thiết bị lưu trữ khác để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố.
Tình trạng phát tán virus để xâm nhập hệ thống, tấn công DDoS

Liên tiếp nhiều website lớn tại Việt Nam bị virus làm lộ thông tin quan trọng hay bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) thời gian qua đang trở thành vấn đề gây lo lắng trong xã hội. Một số nhóm hacker cài đặt virus xâm nhập vào nhiều hệ thống mạng trong nước, kiểm soát được các website chuyên cho phép tải phần mềm... từ đó tạo ra mạng lưới máy tính ma (botnet) để tấn công.
Tình hình virus máy tính năm 2011

Rootkit sẽ là xu hướng mới khi trở thành công cụ được "đại chúng hóa" chứ không còn là "ngón nghề" của một số tin tặc chuyên nghiệp. Dòng virus siêu đa hình sẽ có thêm nhiều kỹ thuật mới để tạo ra sự lây lan kéo dài trong nhiều năm.

Virus đánh lừa người sử dụng bằng cảm quan sẽ phát triển mạnh. Các phần mềm giả mạo file dữ liệu (fake icon) là những biểu hiện đầu tiên và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2011.

Các cuộc tấn công mang động cơ chính trị - xã hội hoặc lấy trộm thông tin bí mật của tổ chức, cá nhân cũng sẽ gia tăng. Năm 2011 có thể sẽ ghi nhận các đợt phát tán mã độc đầu tiên trên điện thoại di động, dưới dạng trojan ẩn náu và ăn cắp thông tin cá nhân.
10 virus lây lan nhiều nhất 2010:

1. Conficker
2. Vetor
3. Sality
4. AutoRunUSB
5. SecretCNC
6. ForeverX
7. CmVirus
8. UpdateUSBA
9. StuxnetQKE
10. X97M.XFSic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét